Câu này tôi muốn gửi đến những nhà đấu tranh đòi bình đẳng giới, những người miệt mài mấy năm nay, với những câu chuyện cũ rích!
Đó là mỗi năm, cứ hễ Tết đến, người ta tranh nhau bàn cãi về chuyện làm dâu, làm vợ, rồi bày biện vào mắt hết thảy mọi người hàng tấn bi kịch bếp núc. Và báo chí lại nhảy vào ca thán những câu chuyện cũ mèm về gia đình tan vỡ bởi tấn bi kịch xưa như trái đất này. Tôi không rõ họ có thống kê hay đơn giản chỉ chắp bút để thoả mãn cơn lên đồng của các chị em phụ nữ có chung một giấc mơ: đưa đàn ông vào bếp còn cô vợ thảnh thơi ngồi xoè bàn cẳng trong những tiệm nail.
Rồi gần ngày 8/3, câu chuyện về nữ quyền, về bình đẳng giới tiếp tục được rên rỉ trên các diễn đàn thông qua một TVC được đăng tải hồi Tết. Tôi theo dõi các bình luận, các chị thì ủ ê, khóc lóc cho thân phận bếp núc của mình; còn các anh thì tranh nhau phân bua. Câu chuyện vẫn hay cho đến khi các mợ đấu tranh đòi nữ quyền bay vào. Tôi thì thấy thông điệp lại rất rõ ràng, cái “mái lạnh” đó chỉ ấm lại khi mà người ta hiểu rõ việc nhà phải được thấu cảm để sẻ chia, chứ không ai có quyền bắt ép ai!
Thử hỏi, đàn bà mà không chịu làm việc nhà thì làm gì?
Từ khi nào bếp núc lại trở thành một thứ hình thức tra tấn đầy bi kịch mà gắn với đàn bà như vậy?
Từ khi nào nỗi ám ảnh bị bó buộc vào việc lau nhà, nấu nướng, rửa bát giặt giũ,… lại thậm tệ hơn cả nỗi ám ảnh mang tên Covid?
Các chị em à, tại sao không hỏi chính mình xem những lời càu nhàu, đá thúng đụng nia ngay trong gian bếp – nơi giữ lửa gia đình, rồi sẽ đi về đâu, và họ sẽ được gì? Chiến thắng vẻ vang, khuất phục được “cái bọn đàn ông” hay chỉ là những đổ vỡ rạn nứt, giằng xé nhau trước bữa cơm chiều.
Bạn biết không? Có lần, lúc đón tôi đi chơi trong chiếc xe hơi mới cóng, chàng trai của tôi kể về một cái Tết sau khi bà mất: “Em ra quán cơm mua mấy phần thịt kho hột vịt, đổ vô nồi, để lên bếp. Mỗi ngày em bật lửa riu riu… mà không dám ăn, sợ hết!”.
Bây giờ thì tôi biết, em có thể làm tất cả cho tôi, để nâng đỡ và hoà vào tình yêu, tham vọng sự nghiệp của tôi. Còn tôi, tôi sẽ đích thân xắn tay vô bếp, tự tay nấu và bày soạn riêng cho em một nồi thịt kho hột vịt.
Vậy mới thấy, đàn bà nhiều khi lại “sướng” khi được lăn vào bếp. Khi được vô bếp, họ vui như cô đào hát được tặng bông. Những người không hiểu rành rọt niềm vui sướng đó, không hề có tư cách cãi bàn! Vậy nên, đừng ai đấu tranh giải phóng tôi khỏi gian bếp của mình, đó là đặc ân của mình, của riêng đàn bà.
Về phần mình, tôi ước có mấy ngày thảnh thơi, những người đàn ông quanh tôi cứ nằm ườn ra coi sách, tập tuồng, đờn ca hát xướng. Còn tôi, tôi sẽ bất chấp chợ đông chợ vắng, bất chấp luôn ai cười tôi “ngôi sao đi chợ”, sẽ lựa lựa mua mua không trả giá rồi về bày soạn.
Nói theo kiểu “bọn đàn ông”: Đàn bà không làm việc nhà thì làm được cái gì? Nghe là muốn nhảy dựng lên vì giọng phân biệt giới tính và khinh miệt. Nhưng ngẫm lại cho sâu, đàn bà khi thích, có thể làm kha khá việc, nhưng vụng việc nhà, kể ra cũng dở!
Nguồn: Trác Thuý Miêu Fanpage